Kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm đã có những bước phục hồi tích cực, tăng trưởng hơn 15% so với cùng kỳ. Điều đáng nói là nền tảng số đã và đang đóng vai trò chủ lực, giúp doanh nghiệp (DN) Việt đưa những sản phẩm chất lượng, độc đáo mang thương hiệu Việt đi khắp thế giới.
Hàng xuất ngoại tăng mạnh
Ông Phùng Quốc Mẫn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM, cho biết, trong khi xuất khẩu mặt hàng gỗ bằng phương thức truyền thống suy giảm đáng kể…, thì doanh số bán đồ nội thất và thủ công mỹ nghệ qua thương mại điện tử (TMĐT) vẫn tăng trưởng vượt bậc. Ghi nhận thực tế cho thấy, kim ngạch sản phẩm gỗ và nội thất xuất khẩu 4 tháng đầu năm đạt 4,89 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu đồ gỗ và nội thất lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 2,7 tỷ USD, tăng 31,8%.
Riêng lĩnh vực nông sản, bà Trần Thị Ngọc Lan, nhà sáng lập Công ty TNHH Trà AnTo, chia sẻ, TMĐT đã và đang tạo cơ hội để DN có quy mô sản xuất vừa và nhỏ được xuất khẩu sản phẩm mang chính thương hiệu của mình. AnTo là DN nhỏ với vốn điều lệ khoảng 1 tỷ đồng đã chọn giải pháp xuất khẩu qua TMĐT. Năm 2024, sản phẩm Hibiso của công ty được bán chính thức tại sàn TMĐT Coupang Hàn Quốc. Tiếp đó, Hibiso đã ký hợp đồng với trang Mslinh.com tại Hà Lan để sớm đưa Hibiso xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này nói riêng và châu Âu nói chung.
“Dù doanh số chưa nhiều song chúng tôi xác định bán sản phẩm nông nghiệp bằng chính thương hiệu của người Việt Nam và tạo những dấu ấn về độ phủ trên sàn TMĐT quốc tế là một chiến lược để nhà sản xuất chủ động về giá, chủ động về cung – cầu”, bà Trần Thị Ngọc Lan bày tỏ.
Trích báo SGGP